Đổi mới công tác vận động nữ công nhân việc chức lao động luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Công đoàn Phú Thọ. Trong 5 năm qua, cùng với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, đội ngũ nữ CNVCLĐ của tỉnh tiếp tục có sự phát triển nhanh về số lượng, sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu. Hiện nay, tổng số nữ CNVCLĐ trên địa bàn tỉnh là 83.673 người chiếm 63,6% trong tổng số CNVCLĐ (tăng 17,2 vạn người so với năm 2011). Hàng năm một bộ phận lao động nữ trẻ, có sức khỏe, có tay nghề và trình độ chuyên môn nghiệp vụ được bổ sung vào đội ngũ (chiếm 62,08% trong tổng số nữ CNVCLĐ toàn tỉnh).
Nguyễn Thị Hồng Lâm
Tỉnh ủy viên, UVBCH TLĐ, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Phú Thọ
Đổi mới công tác vận động nữ công nhân việc chức lao động luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Công đoàn Phú Thọ. Trong 5 năm qua, cùng với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, đội ngũ nữ CNVCLĐ của tỉnh tiếp tục có sự phát triển nhanh về số lượng, sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu. Hiện nay, tổng số nữ CNVCLĐ trên địa bàn tỉnh là 83.673 người chiếm 63,6% trong tổng số CNVCLĐ (tăng 17,2 vạn người so với năm 2011). Hàng năm một bộ phận lao động nữ trẻ, có sức khỏe, có tay nghề và trình độ chuyên môn nghiệp vụ được bổ sung vào đội ngũ (chiếm 62,08% trong tổng số nữ CNVCLĐ toàn tỉnh). Đây là lực lượng lao động xã hội đông đảo tham gia tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh đồng thời là lực lượng nòng cốt trong phong trào phụ nữ. Phát huy những phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, nữ CNVCLĐ Phú Thọ luôn cần cù, chăm chỉ, sáng tạo trong lao động sản xuất và công tác; giàu đức hy sinh, yêu chồng, thương con, kiên trì khắc phục mọi khó khăn vươn lên trong cuộc sống; hoàn thành tốt nghĩa vụ của người công dân đối với xã hội và trách nhiệm của người phụ nữ đối với gia đình. Bên cạnh những ưu điểm, đội ngũ nữ CNVCLĐ của tỉnh cũng còn những hạn chế nhất định. Một bộ phận nữ CNVCLĐ nhận thức về chính trị, pháp luật đặc biệt là pháp luật lao động chưa đầy đủ; ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong lao động công nghiệp chưa cao; trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề chưa đáp ứng được yêu cầu CNH, HĐH đất nước.
Từ thực tế trên trong những năm qua, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh đã tập trung chỉ đạo đổi mới công tác vận động nữ CNVC, LĐ trên cơ sở chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục về giới, bình đẳng giới, chính sách pháp luật lao động liên quan đến lao động nữ. Đẩy mạnh phong trào thi đua “giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVC,LĐ. Chú trọng kiểm tra giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với lao động nữ. Tăng cường đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt nữ công. Quan tâm thường xuyên việc củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của Ban nữ công Công đoàn các cấp. Đẩy mạnh các hoạt động xã hội trong nữ CNVC,LĐ, chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ.
Quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế đã và đang có tác động sâu sắc đến tư tưởng, đời sống, việc làm nữ CNVCLĐ. Đó là khoảng cách chênh lệch về mức thu nhập và đời sống của một bộ phận công nhân ngày càng gia tăng. Tiền lương, thu nhập của công nhân trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước nhìn chung chưa tương xứng với cường độ và thời gian lao động; có nơi thu nhập của người lao động chưa đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của bản thân và gia đình họ. Nhiều lao động nữ phải làm tăng ca, làm thêm giờ, giảm tối đa các chi phí của bản thân cho sinh hoạt văn hóa, thể thao và vui chơi giải trí. Do thu nhập thấp, áp lực công việc khiến nhiều chị em không quan tâm nhiều đến đời sống văn hóa tinh thần; không có thời gian giao lưu tìm hiểu kết bạn nên vấn đề không kết hôn trong lao động xu hướng nữ tăng lên. Hiện nay hàng chục ngàn nữ CNLĐ ở các KCN, CCN phải thuê nhà ở. Sau giờ làm việc, họ trở về trong những khu nhà trọ được xây cất tạm bợ, diện tích chật hẹp, thiếu những trang thiết bị tối thiểu cho cuộc sống. Nhiều đôi vợ chồng công nhân có con nhỏ phải gửi về quê nhờ người thân chăm sóc, tương lai sẽ ra sao đối với những đứa trẻ không được hưởng sự chăm sóc của cha mẹ từ tấm bé. Cường độ lao động cao, điều kiện làm việc còn nhiều yếu tố độc hại đã ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe, thiên chức làm mẹ và trách nhiệm của người phụ nữ đối với gia đình. Mong muốn lớn nhất của đa số lao động nữ hiện nay là có việc làm ổn định với thu nhập cao để cải thiện đời sống; có nhà ở; có thời gian chăm sóc gia đình và con cái; có đủ cơ sở khám chữa bệnh và trường học cho con trẻ, có nơi sinh hoạt văn hóa thể thao để nâng cao đời sống tinh thần…
Trong thời gian tới, nước ta tiếp tục tham gia sâu vào các hiệp định thương mại thế hệ mới, trong đó có Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đem lại không ít khó khăn và thách thức cho lao động nữ. Hơn nữa khi TPP có hiệu lực thì việc thực thi các tiêu chuẩn lao động quốc tế về tự do hiệp hội và công đoàn là vấn đề có nhiều thách thức đối với Việt Nam nói chung và hoạt động của tổ chức Công đoàn nói riêng. Môi trường hoạt động công đoàn sẽ có nhiều biến đổi. Mâu thuẫn trong quan hệ lao động và tranh chấp lao động tập thể có xu hướng gia tăng nhất là trong các doanh nghiệp thuộc ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện điện tử. Đình công, lãn công, ngừng việc tạm thời của người lao động có thể sẽ mở rộng về quy mô với nhiều diễn biến phức tạp. Thực tiễn đó đòi hỏi tổ chức Công đoàn phải có những hoạt động thiết thực nhằm nâng cao chất lượng công tác vận động nữ CNVCLĐ góp phần xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn vững mạnh.
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu về công tác vận động phụ nữ của Đảng trong tình hình mới, qua đó nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cấp công đoàn đối với công tác vận động nữ CNVCLĐ. Phối hợp với Hội phụ nữ các cấp triển khai các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới trong nữ CNVCLĐ và lồng ghép giới trong hoạt động công đoàn. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về giới, bình đẳng giới trong CNVCLĐ, tuyên truyền đấu tranh chống tư tưởng, các hành vi phân biệt đối xử, bạo hành với lao động nữ nhất là trong lĩnh vực lao động và việc làm.
Hai là, thực hiện tốt nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho nữ CNVCLĐ. Trên thực tế việc thực thi các chính sách pháp luật về lao động nữ tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn nhiều vấn đề vướng mắc và chưa thực sự đi vào cuộc sống của lao động nữ. Do đó các cấp công đoàn cần làm tốt công tác xây dựng, thương lượng và ký kết Thỏa ước lao động tập thể, với nhiều điều khoản có lợi hơn cho lao động nữ so với quy định của pháp luật. Phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách đối với lao động nữ, phát hiện, kiến nghị để xử lý kịp thời những hành vi vi phạm bảo vệ quyền lợi cho chị em. Phối hợp các ban, ngành liên quan tham gia triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề về nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo, trạm y tế, cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng, xây dựng các thiết chế văn hóa... tại các khu, cụm công nghiệp, nơi có đông nữ CNLĐ.
Ba là, thường xuyên nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng, những vấn đề bức xúc trong đời sống của nữ CNVCLĐ để có biện pháp phối hợp giải quyết kịp thời. Tham mưu cho lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tạo điều kiện cho nữ CNVCLĐ được học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, văn hóa, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp; bố trí sử dụng lao động nữ hợp lý nhằm phát huy được năng lực và sở trường của chị em. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục trong nữ CNVCLĐ; lựa chọn các hình thức tuyên truyền phù hợp với điều kiện sống và làm việc của các đối tượng nữ CNVCLĐ. Nội dung trọng tâm là giáo dục về phẩm chất đạo đức; tuyên truyền về các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cung cấp kiến thức về chính sách pháp luật liên quan đến lao động nữ, về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình... tập trung vào nữ công nhân lao động ở các khu, cụm công nghiệp.
Bốn là, triển khai sâu rộng phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" gắn với phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" trong nữ CNVCLĐ. Chú trọng xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến, cụ thể hóa nội dung thi đua, tiêu chuẩn thi đua phù hợp với nữ CNVCLĐ trong từng loại hình đơn vị và ngành nghề khác nhau.
Năm là, đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên công đoàn, thành lập CĐCS trong doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm thu hút đông đảo nữ CNLĐ vào tổ chức Công đoàn. Tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động của CĐCS và của các ban nữ công quần chúng, thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động tại cơ sở.
Sáu là, trong chỉ đạo và tổ chức hoạt động nữ công cần tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền, Ban vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp; tăng cường mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với Hội phụ nữ các cấp, nhất là trong việc triển khai các phong trào thi đua trong nữ CNVCLĐ; nghiên cứu, đóng góp ý kiến xây dựng đồng thời kiểm tra, giám sát các chính sách pháp luật liên quan đến lao động nữ, nhất là các chính sách về thai sản, tuổi nghỉ hưu, vấn đề nhà trẻ, trường mầm non, mô hình tập hợp nữ công nhân ở các khu nhà trọ khu công nghiệp, cụm công nghiệp… Với trách nhiệm của mình, LĐLĐ tỉnh sẽ phối hợp với Hội LHPN tỉnh chỉ đạo triển khai có hiệu quả công tác vận động phụ nữ của Đảng tới các cấp công đoàn trong tỉnh; trước mắt là quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội phụ nữ tỉnh lần thứ XV, hướng tới Đại hội phụ nữ Toàn quốc lần thứ XII tới đông đảo nữ CNVCLĐ góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của phong trào phụ nữ toàn tỉnh.