Sau gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, nhất là sau khi có Nghị quyết 20 - NQ/TW, ngày 08-01-2008, của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", và thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, giai cấp công nhân (GCCN) Việt Nam không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, là lực lượng quan trọng, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
TS: Đặng Ngọc Tùng
ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam
Với những kết quả đạt được từ sự nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ Đại hội XI đề ra, giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam đang tích cực hướng tới Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Xây dựng giai cấp công nhân:
Sau gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, nhất là sau khi có Nghị quyết 20 - NQ/TW, ngày 08-01-2008, của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", và thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, giai cấp công nhân (GCCN) Việt Nam không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, là lực lượng quan trọng, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và cả hệ thống chính trị về vai trò, vị trí của GCCN cũng được nâng lên, tạo sự chuyển biến tích cực trong hành động của các cấp, các ngành và toàn xã hội để xây dựng GCCN ngày càng lớn mạnh. Nhà nước đã thể chế hóa, ban hành nhiều chính sách, pháp luật có liên quan đến công nhân, lao động (CNLĐ), như chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chế độ nghỉ thai sản... Các cấp chính quyền đã triển khai thực hiện nhiều đề án chương trình, kế hoạch với các mục tiêu phấn đấu cụ thể, sát thực, phù hợp với đặc điểm tình hình CNLĐ ở từng địa phương, từng lĩnh vực.
Theo kết quả khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn cuối năm 2014 về hoạt động công đoàn trong các doanh nghiệp, 70,2% số công nhân có trình độ trung học phổ thông, 26,7% có trình độ trung học cơ sở và 3,1% có trình độ tiểu học; 14,7% có trình độ đại học, 6,6% có trình độ cao đẳng, 17,9% có trình độ trung cấp; 48% được đào tạo tại doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, GCCN Việt Nam cò bộc lộ những hạn chế sau:
Trước hết, giác ngộ giai cấp và bản lĩnh chính trị của giai cấp công nhân không đồng đều; sự hiểu biết về chính sách, pháp luật còn hạn chế; tỷ lệ đảng viên và cán bộ lãnh đạo xuất thân từ công nhân còn thấp; một bộ phận công nhân chưa thiết tha phấn đấu vào Đảng và tham gia các hoạt động trong các tổ chức chính trị - xã hội. Đặc biệt, tỷ lệ đảng viên là công nhân trong tổng số đảng viên của Đảng những năm gần đây đang giảm dần là một xu hướng đáng lo ngại.
Thứ hai, xu hướng phân hóa gay gắt đội ngũ công nhân hiện nay càng làm cho việc tập hợp đội ngũ và nâng cao vai trò lãnh đạo của GCCN đối với toàn xã hội trở nên khó khăn. Đời sống của một bộ phận lớn công nhân vẫn có nhiều khó khăn, búc xúc, đặc biệt là số lao động giản đơn tại các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Thứ ba, sự phát triển của GCCN chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, cơ cấu và trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp. Tỷ lệ các chuyên gia kỹ thuật, cán bộ giỏi, công nhân lành nghề trong lực lượng lao động rất thấp (tỷ lệ cao nhất trong năm 2013 cũng chỉ chiếm 5,69%); tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động còn nhiều hạn chế; đa phần công nhân xuất thân từ nông dân chưa được đào tạo cơ bản và có hệ thống, một bộ phận công nhân chậm thích nghi với cơ chế thị trường.
Thứ tư, tình trạng ngừng việc tập thể, đình công của công nhân, nhất là trong các khu công nghiệp, khu chế xuất trong những năm gần đây diễn biến theo xu hướng ngày càng phức tạp. Phần lớn các vụ ngừng việc tập thể, đình công đều có nguyên nhân do mức sống của công nhân ngày càng khó khăn, mức lương thấp so với điều kiện sống thực tế, do mâu thuẫn trong quan hệ lao động giữa chủ và thợ...gần đây đã xuất hiện lý do từ sự bất cập của quy định pháp luật.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế yếu kém trên, trong đó nổi lên một số nguyên nhân cơ bản:
- Sự quan tâm đối với GCCN chưa đầy đủ, chưa ngang tầm với vị trí, vai trò trong thời kỳ mới; sự chỉ đạo và phối hợp của một số cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan chức năng về xây dựng GCCN chưa thường xuyên, thiếu đồng bộ, thiếu giải pháp cụ thể
- Một số vấn đề bức xúc, cấp bách của một bộ phận công nhân chưa được giải quyết thỏa đáng, kịp thời, như việc làm, nhà ở, nơi sinh hoạt văn hóa, nhà trẻ, tiền lương và thu nhập, tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm chế độ, chính sách của người sử dụng lao động đối với người lao động chưa được quan tâm đầy đủ.
- Công tác giáo dục, nâng cao giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị của GCCN chưa được chú trọng đúng mức. Công tác phát triển Đảng trong công nhân tại các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài, chưa được coi trọng, còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về GCCN chưa được quan tâm nhiều và đầu tư thỏa đáng.
- Công tác xây dựng, củng cố tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khu vực kinh tế ngoài nhà nước còn nhiều hạn chế; việc tổ chức các hoạt động cho công nhân của các tổ chức chính trị - xã hội còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao.
Thời gian tới, để xây dựng và phát triển GCCN cần chú trọng một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kết luận 79 - KL/TW, ngày 25-12-2013, của Bộ Chính trị, về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 20 - NQ/TW, ngày 08-01-2008, của Ban Chấp hành Trung ương khóa X; kịp thời cụ thể hóa và nhanh chóng đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, trong đó có các nội dung về GCCN, tổ chức công đoàn vào cuộc sống.
Hai là, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, củng cố các đoàn thể quần chúng, ban hành những văn bản pháp luật, để thể chế hóa chỉ thị, nghị quyết thành những quy định cụ thể. Hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội được hình thành trong các doanh nghiệp thuộc tất cả các thành phần kinh tế phải góp phần làm cho doanh nghiệp phát triển. Các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải được thực thi và chấp hành nghiêm túc.
Ba là, cấp ủy các cấp tập trung lãnh đạo nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương, tổ chức công đoàn và các đoàn thể quần chúng, tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách của Nhà nước liên quan đến CNLĐ, Quy chế Dân chủ ở cơ sở, các hoạt động đối thoại, thương lượng giữa người sử dụng lao động và người lao động ... trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm, nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.
Bốn là, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ về mọi mặt cho công nhân, có giải pháp hữu hiệu sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao ở tất cả các ngành kinh tế, kỹ thuật; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng tạo ra giá trị gia tăng ngày càng cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường.
Năm là, các cấp ủy đảng lãnh đạo chính quyền các cấp tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch các khu, cụm công nghiệp theo hướng gắn với phát triển các khu đô thị mới, trong đó chú trọng xây dựng nhà ở và các công trình phúc lợi thiết yếu, thiết chế văn hóa phục vụ chăm sóc sức khỏe, nhu cầu sinh hoạt tinh thần cho công nhân và nhân dân. Từng doanh nghiệp phải có quy hoạch bố trí quỹ đất để xây dựng điểm sinh hoạt văn hóa cho công nhân.
Xây dựng tổ chức công đoàn
Trong thời gian qua, công đoàn có vai trò quan trọng trong tham gia xây dựng GCCN vững mạnh cả về số lượng và chất lượng, không ngừng nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, tính tổ chức kỷ luật, trình độ văn hóa, khoa học - kỹ thuật, nhãn quan chính trị; là cơ sở vững chắc bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước... cụ thể là:
Thứ nhất, công đoàn đại diện, chăm lo bảo về quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), thông qua tham gia xây dựng, giám sát và thực thi chế độ, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến quyền, lợi ích của đoàn viên và người lao động, như Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Bảo hiểm thất nghiệp, Bộ luật Lao động, Luật phá sản, Luật Công đoàn, Hiến pháp năm 2013...và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến người lao động.
Các cấp công đoàn đã phối hợp với chính quyền đồng cấp chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, hội nghị người lao động đạt tỷ lệ cao, tăng cả về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ công đoàn cơ sở (CĐCS) ở doanh nghiệp tổ chức thương lượng, xây dựng, ký kết thỏa ước lao động tập thể đạt bình quân hàng năm 64,9%; thực hiện tốt Chỉ thị số 22 - CT/TW, ngày 5-6-2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X, về "Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp"; tham gia giải quyết tốt các vụ tranh chấp lao động và đình công thông qua đối thoại, hòa giải tại cơ sở.
Hàng năm, các cấp công đoàn chủ động tổ chức, hoặc phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức hàng chục nghìn cuộc kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động. Qua kiểm tra, nhiều kiến nghị của công đoàn được chuyển tới các cơ quan chức năng nghiên cứu xử lý, giải quyết. Các cấp công đoàn đã tích cực tổ chức tiếp CNLĐ, giải quyết, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Tích cực đẩy mạnh các hoạt động xã hội, tăng cường đoàn kết, tương thân, tương ái làm cho đoàn viên công đoàn và người lao động gắn bó với tổ chức Công đoàn, nâng cao vị thế của tổ chức trong cộng đồng xã hội, như các hoạt động ủng hộ Quỹ tấm lòng vàng, Quỹ Vì người nghèo, Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ xóa đói, giảm nghèo, Quỹ Mái ấm công đoàn...Đặc biệt Chương trình "Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng sa, Trường sa" đã thu hút sự tham gia hưởng ứng của hàng triệu lượt đoàn viên, người lao động, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài với số tiền ủng hộ hàng chục tỷ đồng, ủng hộ lực lượng cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư và ngư dân Việt Nam đang ngày đêm bám biển, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, góp phần nâng cao nhận thức chính trị, trình độ học vấn cho CNVCLĐ; quán triệt, phổ biến kịp thời những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới CNVCLĐ. Đặc biệt, hoạt động "Tháng Công nhân" do công đoàn đề xuất được Ban Bí thư kết luận trở thành nhiệm vụ thường xuyên hằng năm, đánh dấu bước phát triển trong việc đổi mới nội dung, hình thức tập hợp đoàn viên, người lao động; đổi mới hình thức tuyên truyền cho CNLĐ. Thông qua chương trình "Giao lưu - Đối thoại", với sự tham gia của các ngành chức năng, giải đáp những vướng mắc của CNLĐ trong thực hiện chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật...
Đặc biệt, các cấp công đoàn đã kết hợp lồng ghép với tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong CNVCLĐ, tập trung vào nội dung vận động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, quan liêu và đẩy mạnh cải cách hành chính.
Các cấp công đoàn thường xuyên vận động đoàn viên, người lao động tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tham gia cải cách hành chính, đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực. Bên cạnh đó, trong các năm qua, tổ chức công đoàn đã giới thiệu hàng trăm nghìn đoàn viên công đoàn ưu tú cho Đảng xem xét, bồi dưỡng và kết nạp vào Đảng hơn 100.000 người, trong đó có nhiều CNLĐ trực tiếp sản xuất và cán bộ CĐCS.
Thứ ba, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn và đội ngũ cán bộ công đoàn, trọng tâm là ở khu vực kinh tế ngoài nhà nước và có vốn đầu tư nước ngoài có từ 20 lao động trở lên nhằm tập hợp đông đảo CNLĐ trong các thành phần kinh tế. Số lượng đoàn viên và CĐCS tăng nhanh, đến hết năm 2014, cả nước có 8.561.849 đoàn viên và 119.359 CĐCS. Tỷ lệ CĐCS đạt tiêu chuẩn vững mạnh bình quân hằng năm đạt gần 77%; riêng cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước đạt hơn 84%.
Thứ tư, các cấp công đoàn đã phát động các phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của Đảng, công đoàn Việt Nam..., góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong từng năm của ngành, địa phương, cơ sở.
Qua phong trào, đã có hàng nghìn sáng kiến cải tiến kỹ thuật, công trình, sản phẩm mới được thực hiện, làm lợi hàng nghìn tỷ đồng, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cụ thể, thiết thực. Nét mới trong các phong trào thi đua là được lồng ghép, liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa Liên đoàn lao động địa phương, công đoàn ngành trung ương với chính quyền trên các công trình xây dựng trọng điểm quốc gia, tổ chức ký giao ước thi đua các cụm tỉnh, thành phố, ngành. Qua các phong trào thi đua, đã xuất hiện nhiều gương "người tốt, việc tốt", điển hình tiên tiến, nhân tố mới, nhiều tập thể có thành tích đặc biệt xuất sắc được tôn vinh, khen thưởng, góp phần động viên, giáo dục và xây dựng con người mới.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, trong tổ chức và hoạt động công đoàn còn bộ lộ những hạn chế, khuyết điểm sau:
- Chất lượng tham gia xây dựng, hoàn thiện một số chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến đoàn viên, người lao động và tổ chức công đoàn chưa cao. Việc công đoàn tham gia quản lý, đại diện, bảo vệ, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong một số ngành, lĩnh vực, địa phương, kết quả còn thấp. Công tác kiểm tra, tham gia kiểm tra, giám sát của công đoàn ở một số nơi còn hình thức.
- Việc tuyên truyền chính sách, pháp luật kết hợp với tổ chức học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghề nghiệp cho người lao động, nhất là trong khu vực kinh tế ngoài nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.
- Công tác thi đua, khen thưởng có nơi chưa quan tâm đúng mức cả về nội dung và hình thức, tỷ lệ đối tượng được đề nghị khen thưởng là người trực tiếp lao động sản xuất còn thấp.
- Nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn tuy đã có đổi mới song chưa gắn với tiêu chuẩn, quy hoạch và sử dụng. Một bộ phận cán bộ đoàn chưa thật sự tâm huyết với nhiệm vụ được giao.
- Hoạt động của ban nữ công ở nhiều nơi còn dàn trải về nội dung; công tác kiểm tra giám sát thực hiện chế độ, chính sách đối với lao động nữ trong một số lĩnh vực chưa thường xuyên.
- Công tác quản lý tài chính có nơi chưa chặt chẽ và hiệu quả, nên tình trạng thất thu kinh phí và đoàn phí công đoàn chưa được khắc phục triệt để.
Những hạn chế, khuyết điểm nói trên có cả nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan, như về nhận thức, về cơ chế. Vì vậy, công đoàn chưa thu hút được cán bộ giỏi. Đội ngũ cán bộ công đoàn còn thiếu về số lượng so với yêu cầu thực tế, nhất là ở cấp quận, huyện. Hệ thống pháp luật, chính sách chưa đồng bộ; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lao động trên một số mặt còn hạn chế. Chế tài xử lý những vi phạm về lao động và công đoàn chưa đồng bộ. Chưa có cơ chế đầy đủ để bảo vệ cán bộ công đoàn, nhất là đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách, cán bộ ở cơ sở. Một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đầy đủ, đúng mức đối với tổ chức và hoạt động công đoàn.
Nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới
Một là, tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện có hiệu quả Hiến pháp 2013, Luật Công đoàn năm 2012 và Bộ luật Lao động năm 2012...Tập trung triển khai thực hiện Chương trình "Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả thỏa ước lao động tập thể". Phát triển các hìn thức và naangc ao chất lượng tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người lao động. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở. Tăng cường tổ chức đối thoại giữa công đoàn, người lao động với người sử dụng lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; phối hợp tổ chức và nâng cao chất công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật về lao động công đoàn.
Tham gia sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, xây dựng các cơ sở phúc lợi, khu sinh hoạt văn hóa, thể thao, nhà trẻ, mẫu giáo...phục vụ công nhân. Nâng cao năng lực các cơ sở dạy nghề và giới thiệu việc làm của công đoàn. Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Viện nghiên cứu khoa học kỹ thuật, bảo hộ lao động. Phối hợp chặt chẽ với người sử dụng lao động, thủ trưởng cơ quan, đơn vị đưa công tác bảo hộ lao động vào trong nội dung thỏa ước lao động tập thể, nội quy cơ quan. Đẩy mạnh hoạt động và nâng cao hiệu quả sử dụng "Quỹ tấm lòng vàng", chương trình "Tấm lưới nghĩa tình", "Mái ấm công đoàn" và các hoạt động xã hội khác của công đoàn.
Hai là, tổ chức sâu rộng và thường xuyên phổ biến chính sách, pháp luật cho đoàn viên, người lao động. Duy trì, tổ chức tốt hoạt động "Tháng Công nhân" hằng năm. Phát triển phong trào "Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở", "Xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp". Đẩy mạnh phong trào học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghề nghiệp và thực hiện cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức "Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu". Thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao tại cơ sở.
Đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về GCCN và công đoàn. Tổ chức, vận động đoàn viên, người lao động tích cực đấu tranh chống tham nhũng, chống tiêu cực, tham gia xây dựng Dảng, xây dựng nhà nước trong sạch vững mạnh. Đẩy mạnh việc bồi dưỡng, phát triển và giới thiệu cho Đảng nhiều đoàn viên ưu tú để xem xét kêt nạp.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên, người lao động, trọng tâm là thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo", nâng cao chất lượng phong trào "thi đua phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn" ... Chú ý các hình thức biểu dương, tôn vinh người lao động có thành tích xuất sắc phù hợp với từng địa phương, ngành và lĩnh vực. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định của công đoàn về công tác thi đua, khen thưởng cho phù hợp với tình hình mới.
Bốn là, triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình "Phát triển đoàn viên giai đoạn 2013 - 2018" và các năm tiếp theo, Chương trình "Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ công đoàn" đẩy mạnh việc xây dựng CĐCS, nghiệp đoàn vững mạnh. Xây dựng tiêu chuẩn, chức danh cán bộ công đoàn, làm cơ sở cho việc quy hoạch, tuyển chọn, đào tạo và sử dụng cán bộ, gắn công tác đào tạo với sử dụng và thực hiện chính sách cán bộ. Thực hiện tốt việc phân công, phân cấp quản lý cán bộ.
Năm là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11 - NQ/TW của Bộ Chính trí và Chương trình hành động của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chủ động tham gia xây dựng kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến lao động nữ và bình đẳng giới. Tiếp tục thực hiện phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" gắn với phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" và cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động. Tăng cường đào tạo bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ nữ công đoàn ở các cấp.
Sáu là, thực hiện tốt công tác đối ngoại. Quán triệt phương châm "chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả" trong hoạt động đối ngoại của công đoàn. Tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế, các hoạt động của phong trào công nhân, công đoàn thế giới. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, nghiên cứu, tham mưu về công tác đối ngoại của công đoàn.
ĐNT